Truy tố cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, cựu Bí thư Tỉnh ủy và cựu Chủ tịch Lâm Đồng trong vụ dự án Đại Ninh
Các bị can: Mai Tiến Dũng, Trần Đức Quận. (Ảnh: TTXVN) |
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan.
Theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 10 bị can, trong đó cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp; cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (Cục II, Thanh tra Chính phủ) Lê Quốc Khanh; cựu Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Ánh cùng bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.
Cựu Vụ trưởng Vụ Theo dõi công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Vụ I, Văn phòng Chính phủ) Trần Bích Ngọc; cựu Cục trưởng Cục II, Thanh tra Chính phủ Nguyễn Hồng Giang cùng bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bị can Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh) bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”.
Theo cáo trạng, do xác định có vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận 929 kiến nghị chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của Dự án Đại Ninh đúng quy định của pháp luật.
Sau khi thỏa thuận mua lại Dự án Đại Ninh, Nguyễn Cao Trí dùng tiền và sử dụng các mối quan hệ để tác động các bị can thuộc Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ; thông đồng, thỏa thuận, đưa tiền hối lộ, thao túng các bị can thuộc Thanh tra Chính phủ và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng để các bị can thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước nêu trên lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, thực hiện hành vi trái công vụ, nhiệm vụ giúp Trí thay đổi Kết luận Thanh tra số 929 từ chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của Dự án thành không thu hồi, cho giãn tiến độ và tiếp tục thực hiện Dự án theo Kết luận 1033, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Cụ thể, theo kết quả điều tra, năm 2010, UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh thực hiện Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (viết tắt Dự án Đại Ninh), tại các xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 25.200 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm. Tổng diện tích đất quy hoạch thực hiện dự án gần 3.600ha.
Quá trình thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013 đến 2018, Thanh tra Chính phủ xác định Công ty Sài Gòn Đại Ninh trong quá trình thực hiện Dự án Đại Ninh có nhiều vi phạm. Theo đó, công ty không tuân thủ nghĩa vụ tài chính, không nộp tiền sử dụng đất và tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên, môi trường rừng; để người dân tái lấn chiếm; tiến độ không theo đúng cam kết. Do vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện việc chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của Dự án Đại Ninh.
Biết việc này, bị can Nguyễn Cao Trí thỏa thuận mua lại Dự án Đại Ninh. Bị can Trí lợi dụng mối quan hệ, dùng tiền, lợi ích vật chất để móc nối, câu kết với một số cá nhân ở Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy Lâm Đồng và UBND tỉnh Lâm Đồng để thực hiện hành vi thay đổi, điều chỉnh trái pháp luật quyết định của Nhà nước.
Việc này khiến một số cá nhân tại Thanh tra Chính phủ thực hiện hành vi trái pháp luật khi ban hành báo cáo mới, hủy bỏ kiến nghị thu hồi Dự án Đại Ninh. Một số cán bộ tại tỉnh Lâm Đồng thì đồng ý thay đổi đăng ký kinh doanh, chuyển dự án cho bị can Trí rồi đồng thuận không thu hồi dự án
Những hành vi trên khiến dự án vốn phải thu hồi trở thành cho giãn tiến độ và tiếp tục thực hiện, người hưởng lợi là bị can Trí. Ngoài ra, Nhà nước không thu hồi được 3.595 ha đất lòng hồ của Dự án Đại Ninh, gây lãng phí tài nguyên đất. Từ khi Dự án Đại Ninh được chấp thuận cho giãn tiến độ, Công ty Sài Gòn Đại Ninh không triển khai dự án, không xây dựng bất cứ hạng mục mới nào, tiếp tục để xảy ra 24 vụ vi phạm như phá rừng, lấn chiếm trái phép…
Nguyễn Cao Trí đã nhiều lần đưa hối lộ tổng số tiền 7,05 tỉ đồng cho các bị can tại Thanh tra Chính phủ và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng để các bị can thực hiện các hành vi sai phạm, giúp Trí đạt được mục đích thay đổi Kết luận thanh tra, từ chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của Dự án thành không thu hồi, cho giãn tiến độ và tiếp thục thực hiện Dự án trái quy định của pháp luật.
Trong đó, Nguyễn Cao Trí đã đưa 5 lần tổng số tiền 2,1 tỉ đồng cho Trần Đức Quận; 7 lần đưa tổng số tiền 4,2 tỉ đồng cho Trần Văn Hiệp. Nguyễn Cao Trí đưa tổng số tiền 750 triệu đồng cho các bị can là thành viên Tổ công tác gồm: Lê Quốc Khanh, Hoàng Văn Xuân, Nguyễn Nho Định, Nguyễn Ngọc Ánh. Nguyễn Cao Trí cũng biếu cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng số tiền 200 triệu đồng; Trần Bích Ngọc được Trí biếu 50 triệu đồng.
Xử lý nghiêm vụ việc 379 người nhập viện sau khi ăn bánh mỳ ở Bà Rịa - Vũng Tàu
Nhiều người dân sau khi ăn bánh mì tại tiệm C.B tại thành phố Vũng Tàu phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Vũng Tàu. (Ảnh: TTXVN ) |
Ngày 30/11, ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng đại diện Sở Y tế, UBND thành phố Vũng Tàu và các đơn vị có liên quan đã đến thăm, chia buồn cùng gia đình có bệnh nhân tử vong trong vụ nghi ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì, xảy ra tại thành phố Vũng Tàu.
Tại tang lễ, ông Đặng Minh Thông cùng cơ quan, đơn vị thăm viếng và chia buồn sâu sắc trước sự mất mát của gia đình bệnh nhân T.V.R, sinh năm 1953, trú tại phường 11, thành phố Vũng Tàu. Đồng thời yêu cầu thành phố Vũng Tàu hỗ trợ mai táng, đưa linh cữu nạn nhân về quê ở tỉnh Bến Tre chu đáo.
Trước đó, ông Đặng Minh Thông cùng Sở Y tế cũng đã đến thăm hỏi, động viên các bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị tại bệnh viện Vũng Tàu, tại đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu bệnh viện hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình chữa trị.
Ông Đặng Minh Thông cũng nhấn mạnh, quan điểm của tỉnh là xử lý nghiêm và đã chỉ đạo giao vụ việc cho cơ quan công an điều tra, làm rõ. Ngay khi có kết quả xét nghiệm từ cơ quan chức năng, tỉnh sẽ tiến hành xử lý theo quy định pháp luật.
Theo bệnh viện Vũng Tàu, đến sáng 30/11, bệnh viện tiếp nhận thêm 3 bệnh nhân nghi ngộ độc, cũng ăn bánh mì và cho xuất viện 22 người. Hiện còn 100 bệnh nhân đang điều trị, sức khỏe ổn định.
Liên quan đến bệnh nhân tử vong, qua xác minh, sáng 27/11, ông R. có mua và sử dụng bánh mì kẹp thịt tại tiệm bánh mì - xôi Cô Ba Bến Đình, sau đó có các triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm và nhập viện.
Tối 27/11, ông R. nhập viện tại bệnh viện Vũng Tàu, sau điều trị ổn được xuất viện về nhà tiếp tục theo dõi. Sáng 28/11, tiếp tục nôn ói và tiêu chảy, người nhà đã đưa ông đến nhập viện tại bệnh viện Bà Rịa. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, thay van động mạch chủ sinh học.
Trưa cùng ngày, bệnh nhân được chuyển đến khoa Tim mạch - Lão học, được chẩn đoán, theo dõi nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng tiêu hóa mức độ nặng, tổn thương thận cấp/thay van động mạch chủ sinh học; chẩn đoán phân biệt ngộ độc thực phẩm.
Khoảng 16 giờ 10 phút, bệnh nhân tím tái, huyết áp không đo được, mạch không bắt được. Ngay lập tức bệnh nhân được cấp cứu và chuyển Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để xử trí, được chẩn đoán hồi sức sau ngưng tim, ngưng thở - choáng nhiễm trùng từ đường tiêu hóa/tăng huyết áp, thay van động mạch chủ sinh học, tổn thương thận cấp. Tối cùng ngày, bệnh nhân trở nặng nên người nhà xin về, sau đó tử vong tại nhà.
Tính đến 16 giờ ngày 29/11, hệ thống giám sát của Ngành Y tế ghi nhận tổng số bệnh nhân đến nhập viện điều trị tại Bệnh viện Vũng Tàu và Trung tâm Y tế Vietsovpetro là 379 người, do ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại tiệm bánh mì – xôi Cô Ba Bến Đình.
Israel tấn công các cơ sở quân sự ở Syria giáp Liban
Xe quân sự Israel tại khu vực phía Bắc giáp giới Liban khi lệnh ngừng bắn với Phong trào Hezbollhah có hiệu lực, ngày 28/11/2024. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Ngày 30/11, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết không quân nước này (IAF) trong cùng ngày đã tấn công các cơ sở quân sự ở Syria gần biên giới Liban.
Israel cáo buộc các cơ sở này được sử dụng để phục vụ mục đích buôn lậu vũ khí cho phong trào Hezbollah có trụ sở tại Liban, vi phạm thỏa thuận ngừng bắn hiện tại.
Tuyên bố của IDF trên mạng xã hội Telegram nêu rõ: “Sáng nay, IAF đã tiến hành đợt tấn công dựa trên thông tin tình báo vào các cơ sở hạ tầng quân sự liền kề với các cửa khẩu biên giới giữa Syria và Liban mà Hezbollah thường xuyên sử dụng để buôn lậu vũ khí từ Syria vào Liban”.
IDF khẳng định sẽ tiếp tục hành động tương tự để loại bỏ mọi mối đe dọa đối với Israel, vốn “vi phạm các thỏa thuận ngừng bắn”.
Kể từ khi xung đột với Hezbollah leo thang mạnh vào cuối tháng 9/2024, Israel đã thường xuyên tiến hành các cuộc không kích tại khu vực biên giới Syria giáp với Liban, cũng như tại các khu vực ở thủ đô Damascus của Syria.
Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah có hiệu lực từ ngày 27/11. Nội dung thỏa thuận bao gồm việc rút quân đội Israel khỏi Liban trong vòng 60 ngày. Đồng thời, quân đội Liban sẽ tiếp quản quyền kiểm soát miền Nam Liban, trong khi Hezbollah sẽ di dời lực lượng về phía Bắc Sông Litani./.