Bắt giữ vụ vận chuyển hơn 210.000 viên ma túy qua biên giới
Hơn 210.000 viên ma túy tổng hợp bị lực lượng biên phòng Quảng Trị phát hiện, tạm giữ. Ảnh: BĐBP Quảng Trị |
Chiều 14/4, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị cho biết, các lực lượng nghiệp vụ của đơn vị vừa phát hiện, bắt giữ 1 đối tượng vận chuyển lượng lớn ma tuý tại khu vực biên giới Việt – Lào.
Cụ thể, vào lúc 7h15 ngày 13/4, trong quá trình tuần tra, kiểm soát khu vực, địa bàn (thuộc địa phận quản lý của Đồn BP Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo), lực lượng chức năng của BĐBP tỉnh Quảng Trị phát hiện 1 đối tượng chạy xe máy gần khu vực biên giới có nhiều biểu hiện nghi vấn.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đối tượng nhanh chóng bị lực lượng chức năng khống chế, bắt giữ.
Thời điểm kiểm tra, lực lượng biên phòng xác định đối tượng đang vận chuyển khoảng 210.000 viên nén màu hồng (nghi là ma tuý tổng hợp). Đấu tranh nhanh tại hiện trường, đối tượng đã khai nhận số viên nén trên là ma tuý tổng hợp và đang được y vận chuyển từ Lào về Việt Nam tiêu thụ.
Vụ việc đang được BĐBP tỉnh Quảng Trị mở rộng điều tra, làm rõ.
2 lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang bị khiển trách
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ kỷ luật đối với ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang và ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.
Cụ thể, tại Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 14/4/2023, Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng. Thời gian thi hành kỷ luật tính từ ngày công bố Quyết định thi hành kỷ luật số 928-QĐ/UBKTTW ngày 28/2/2023 về thi hành kỷ luật Đảng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Đồng thời, tại Quyết định số 385/QĐ-TTg ngày 14/4/2023, Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng. Thời gian thi hành kỷ luật tính từ ngày công bố Quyết định thi hành kỷ luật số 929-QĐ/UBKTTW ngày 28/2/2023 về thi hành kỷ luật Đảng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Lập tổ thanh tra đặc biệt vụ 4 biển số “siêu đẹp” ở Đồng Tháp
Các biển xe siêu đẹp gây xôn xao dư luận thời gian qua. |
Ngày 14/4, thông tin từ Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, Giám đốc Công an tỉnh này đã chỉ đạo thành lập tổ thanh tra đặc biệt kiểm tra vụ 4 biển số xe máy "siêu đẹp" được bấm ra cùng ngày ở huyện Cao Lãnh.
Theo Công an Đồng Tháp, qua chỉ đạo, kiểm tra bước đầu việc bấm biển số này là đúng quy trình. Tuy nhiên, để có căn cứ rõ ràng trả lời công chúng, Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo thành lập tổ thanh tra đặc biệt, kiểm tra kỹ và sẽ có thông tin kết quả. Trường hợp phát hiện vi phạm (nếu có), sẽ xử lý nghiêm.
Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về 4 biển số đẹp gồm: 66F1 - 999.96, 66F1 - 999.79, 66F1 - 998.98 và 66F1 - 999.99 được bấm ra vào ngày 8/3 tại điểm đăng ký xe của Công an huyện Cao Lãnh.
Nền kinh tế toàn cầu “vẫn sa lầy” trong tăng trưởng yếu, lạm phát leo thang
Bà Kristalina Georgieva - Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế. Ảnh: Reuters |
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - Kristalina Georgieva hôm qua nhận định, nền kinh tế toàn cầu đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kể trước nhiều cú sốc, nhưng vẫn chưa thể vượt qua thách thức cộng hưởng giữa tăng trưởng yếu và lạm phát kéo dài.
Bà Kristalina Georgieva tuyên bố tại một cuộc họp báo trong khuôn khổ Hội nghị thường niên mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) đang diễn ra tại thủ đô Washington (Mỹ): “Dự báo tăng trưởng toàn cầu 2,8% của IMF cho năm 2023 là không thể đủ để mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp và người dân trên toàn thế giới, và điều đáng lo ngại nhất là dự báo tăng trưởng yếu sẽ tiếp diễn trong một thời gian dài”.
Bà cũng cảnh báo những điểm yếu ẩn náu trên các thị trường tài chính sau vụ sụp đổ các 2 ngân hàng lớn có thể bùng phát đợt khủng hoảng mới, khiến tăng trưởng toàn cầu giảm trở lại mức 1%, khiến nhiều nền kinh tế rơi vào suy thoái và gây căng thẳng lớn cho các nền kinh tế mới nổi.
Nhà lãnh đạo IMF cho biết, sau khi phục hồi sau đại dịch COVID-19, vẫn chịu lạm phát cao cũng như tác động lan tỏa từ cuộc chiến ở Ukraine, các nhà hoạch định chính sách có 2 nhiệm vụ chính trong thời gian tới: Chống lạm phát dai dẳng và bảo vệ sự ổn định tài chính. Tuy nhiên, cả hai nhiệm vụ hiện đều trở nên phức tạp hơn sau sự sụp đổ của 2 ngân hàng lớn tại Mỹ. Do đó, bà kêu gọi các ngân hàng trung ương nên giải quyết các rủi ro bằng cách hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý và giám sát.
IMF đã đưa ra mức dự báo tăng trưởng toàn cầu thấp nhất trong 5 năm qua, với mức tăng trưởng dự báo là 2,8% vào năm 2023 và sau đó dao động ở mức khoảng 3% cho đến năm 2028.
WHO báo cáo số ca mắc COVID-19 ở Đông Nam Á tăng 481%
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, số ca mắc COVID-19 ở Đông Nam Á trong 4 tuần qua cao hơn 481% so với cùng kỳ trước đó.
Ảnh: RIA Novosti |
“Số ca mắc mới được ghi nhận trong khoảng thời gian 28 ngày đã giảm ở các khu vực: châu Phi (giảm 45%), Tây Thái Bình Dương (giảm 39%), Bắc và Mỹ Latinh (giảm 33%) và châu Âu (giảm 22%). Tuy nhiên, tỷ lệ mắc COVID-19 tăng lên ở 2 khu vực: Đông Nam Á (tăng 481%) và Đông Địa Trung Hải (tăng 144%)”, báo cáo dịch tễ học hàng tuần của WHO cho biết hôm 13/4.
Theo WHO, trong 1 tháng qua, tổng cộng 3 triệu trường hợp mắc mới COVID-19 được ghi nhận trên thế giới và hơn 23 nghìn trường hợp tử vong do căn bệnh này.
Làn sóng COVID-19 mới ở châu Á
Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ hôm 13/4 cho biết, nước này ghi nhận 10.158 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua.
Theo cơ quan này, đây là số lượng trường hợp mắc COVID-10 vượt quá 10 nghìn người đầu tiên sau 223 ngày kể từ ngày 2/9/2022. Tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở Ấn Độ là 40.215 ca, nâng tổng số trường hợp được ghi nhận tại quốc gia này lên 44.210.127.
Theo Bộ Y tế Ấn Độ, nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc mới COVID-19 tăng vọt là do biến thể phụ Omicron XBB.1.16. Tuy nhiên, biến thể phụ này không phải vấn đề đáng lo ngại và các loại vắc xin ngừa COVID-19 vẫn hiệu quả trong phòng ngừa bệnh.
WHO cho biết, XBB.1.16 đã xuất hiện tại khoảng 20 quốc gia. WHO đang theo dõi chặt chẽ biến thể phụ này. Phần lớn mẫu bệnh phẩm của XBB.1.16 được thu thập tại Ấn Độ.
Trong khi đó, tại Singapore, số ca mắc trong tuần cuối tháng 3 lên tới 28.000, tăng hơn gấp đôi so với con số 14.467 ca của một tuần trước đó.
Tại Indonesia số ca mắc COVID-19 cũng tăng lên trong những tháng gần đây khi chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại, với số ca nhiễm hôm 12/4 lên tới 987 ca.
Hôm 13/4, Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo kêu gọi người dân tiêm liều tăng cường, dù nói rằng mức độ miễn dịch cao của đất nước giúp tình hình hiện tại “vẫn được kiểm soát tốt”.
Bên cạnh đó, các quốc gia lân cận châu Á như Bangladesh, Nepal, Pakistan, Afghanistan, Iran,… cũng ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 mới. Trước châu Á, làn sóng COVID-19 này từng quét qua châu Âu nhưng hiện có xu hướng hạ nhiệt./.