Phó Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình ra khỏi Ban Chỉ đạo chống tham nhũng
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Ninh Bình cho biết đã kiện toàn lại nhân sự theo Quyết định 688-QĐ/TU do bà Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Tỉnh ủy ký, bao gồm 14 thành viên (giảm một người so với trước).
Các Phó trưởng Ban Chỉ đạo gồm: ông Lưu Danh Tuyên, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy (Phó Trưởng Ban thường trực); ông Mai Văn Tuất, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; ông Tô Văn Từ , Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Giám đốc Công an tỉnh (giảm một Phó Ban).
Ông Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình "bị loại" khỏi Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh (Ảnh: Báo Ninh Bình) |
Đáng chú ý, ông Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình không còn trong danh sách Ban Chỉ đạo và cũng không còn là Phó Ban Chỉ đạo như nội dung Quyết định 655-QĐ/TU ký ngày 30/6.
Việc kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Ninh Bình được thực hiện theo chỉ đạo của Ban Nội chính Trung ương và theo đúng các quy định hiện hành; được Thường trực Ban Chỉ đạo họp và cân nhắc kỹ.
Trước đó, Quyết định 655-QĐ/TU ký ngày 30/6 thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh có ông Trần Hồng Quảng khiến dư luận băn khoăn do vào tháng 3/2022, ông này từng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật với hình thức cảnh cáo vì có liên quan đến tiêu cực.
Giá xăng dầu hết kiểu lên nhanh xuống chậm… nếu bỏ quỹ bình ổn
Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ đặc thù, được thành lập trước khi có các quy định về quỹ bình ổn giá tại Luật giá (được quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, sau đó là Nghị định 83/2014/NĐ-CP, nay là Nghị định 95/2020/NĐ-CP) nên việc bỏ biện pháp lập quỹ bình ổn giá tại Luật giá cũng không ảnh hưởng đến tính pháp lý của quỹ.
Quỹ bình ổn giá khiến giá xăng dầu không vận động đúng theo thị trường thế giới. (Ảnh: Anh Nguyễn) |
Tuy nhiên, hiện thị trường xăng dầu trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực; số lượng các doanh nghiệp tham gia vào hệ thống lưu thông phân phối ngày càng tăng, hiệu quả ngày càng được cải thiện và thúc đẩy tính cạnh tranh trên thị trường kinh doanh xăng dầu; tâm lý người tiêu dùng đã dần thích ứng được với việc điều chỉnh tăng/giảm giá xăng dầu theo biến động của giá xăng dầu thế giới.
Bộ Tài chính cho rằng: Thời điểm này là thích hợp để xem xét, đánh giá để bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giá xăng dầu vận động theo đúng tín hiệu thị trường tại văn bản số 439/HHXDVN-VP của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam. Bộ Công Thương cũng nhất trí xem xét, đánh giá để bỏ công cụ quỹ bình ổn giá khi Nhà nước không điều tiết chi phí xây dựng thông qua giá cơ sở hoặc giá tham chiếu, hoàn toàn để các doanh nghiệp tự quyết định giá.
TP HCM: Đất ở được bồi thường tối đa 15 lần giá nhà nước
Theo quyết định vừa được UBND TP HCM ban hành, áp dụng từ 25/8, đất ở tuỳ quận huyện có hệ số điều chỉnh gấp 2-15 lần so với giá nhà nước. Khu vực có hệ số cao nhất, tối đa 15 lần, là huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi, TP Thủ Đức.
Hiện trạng một phần khu đô thị Tây Bắc TP HCM (huyện Hóc Môn, đang bị treo hơn 20 năm nay, tháng 4/2022 (Ảnh: Quỳnh Trần) |
Hệ số điều chỉnh giá đất do thành phố ban hành nhằm xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. So với năm 2021, hệ số năm nay được đánh giá cụ thể và sát thực tế hơn, hệ số điều chỉnh giá đất ở đô thị cao hơn những năm trước.
Bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án luôn là vấn đề khó khăn của TP HCM từ trước tới nay. Không ít dự án trọng điểm bị đình trệ nhiều năm do vướng mặt bằng chưa thể giải toả.
Ngoài điều chỉnh hệ số để giá đất sát với thực tế, thành phố từng kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện một số cơ chế đặc thù nhằm rút ngắn thời gian hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đẩy nhanh dự án.
Thủ tướng Trung Quốc thừa nhận 'bức tranh kinh tế ảm đạm'
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hối thúc các tỉnh giàu nhất nước gồm Quảng Đông, Giang Tô, Sơn Đông, Chiết Giang, Hà Nam và Tứ Xuyên "dũng cảm đi đầu" trong thúc đẩy tăng trưởng và việc làm, một ngày sau khi dữ liệu chính thức cho thấy bức tranh ảm đạm của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Năm nay, người giữ vị trí quyền lực thứ 2 trong hệ thống phân cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc liên tục nhấn mạnh đến sự cần thiết phải ổn định tình hình việc làm "phức tạp và nghiêm trọng" ở đại lục. Các biện pháp phong tỏa phòng chống đại dịch COVID-19 kết hợp với khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản và thời tiết khắc nghiệt đang đe dọa nền kinh tế Trung Quốc.
Thủ tướng Lý Khắc Cường (giữa) thăm một công viên sáng tạo ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông (Ảnh: Xinhua) |
Cụ thể, 6 tỉnh "trụ cột" của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đóng góp tới 45% tổng GDP và chiếm tới 40% lao động của cả nước. Trong đó, tỉnh Quảng Đông giáp với đặc khu hành chính Hong Kong là trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng nhất đại lục, với GDP của tỉnh là 1.900 tỷ USD. Ông Lý mong muốn những tỉnh này phải "dũng cảm đi đầu cũng như đóng vai trò then chốt trong việc ổn định nền kinh tế".
Để ứng phó, ông Lý yêu cầu 6 tỉnh cần đẩy mạnh hỗ trợ chính sách cho các doanh nghiệp trong khu vực của họ và đảm bảo chuỗi cung ứng thông suốt, đồng thời tạo việc làm cho lao động nhập cư nông thôn và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của các cộng đồng dân cư địa phương, đặc biệt là đối với các mặt hàng tiêu tốn nhiều tiền như xe hơi và nhà ở./.