Giá xăng tăng lên hơn 26.000 đồng/lít, mức cao nhất lịch sử
Chiều 21/2, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần.
Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 961 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 965 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 25.531 đồng/lít và xăng RON 95 là 26.285 đồng/lít.
Giá xăng tăng lên hơn 26.000 đồng/lít, mức cao nhất lịch sử. Ảnh: VNN. |
Giá bán đối với mặt hàng dầu diesel lên 20.800 đồng/lít; dầu hỏa là 19.500 đồng/lít và dầu mazut là 17.930 đồng/kg.
Như vậy, giá xăng trong nước đã có lần tăng thứ năm liên tiếp và là đợt tăng thứ 4 trong năm 2022. Đáng chú ý, giá xăng RON 95 trong nước hiện đã vượt đỉnh lịch sử và xác lập kỷ lục mới (thời điểm ngày 7/7/2014, xăng E5 RON 92 có giá 25.640 đồng/lít, xăng RON 95 giá 26.140 đồng/lít).
Ở kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Tài chính - Công Thương trích quỹ bình ổn với dầu mazut 300 đồng/kg. Trong khi đó, liên Bộ chi sử dụng quỹ bình ổn đối với xăng E5 RON 92 ở mức 250 đồng/lít, RON 95 là 100 đồng/lít và dầu diesel là 400 đồng/lít.
F1 tiêm 2 mũi vaccine COVID-19 chỉ cách ly 5 ngày
Đây là nội dung trong công văn mới nhất do Bộ Y tế ban hành chiều 21/2 về việc cách ly y tế đối với F0 và các trường hợp tiếp xúc gần (F1).
Việc ban hành công văn mới này được Bộ Y tế căn cứ vào tình hình dịch bệnh hiện nay trên thế giới và tại Việt Nam, tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, nhằm hài hòa giữa việc phát triển kinh tế và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tại các cơ quan, xí nghiệp, trường học, địa phương.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: TL. |
Theo đó, với F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vaccine phòng COVID-19, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 thì thực hiện cách ly y tế 5 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng.
F1 này cần thực hiện xét nghiệm vào ngày cách ly thứ 5 do nhân viên y tế thực hiện hoặc người cách ly tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.
Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ trong 5 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K.
F1 chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 thì thực hiện cách ly 7 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng.
F1 này thực hiện xét nghiệm vào ngày cách ly thứ 7. Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ trong 3 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K.
Ít nhất 3 người thiệt mạng trong vụ rơi máy bay chiến đấu ở Iran
Đài truyền hình Iran đưa tin ngày 21/2, một máy bay chiến đấu của Iran bị rơi ở thành phố Tabriz, Tây Bắc nước này, làm 3 người thiệt mạng, trong đó có 2 phi công.
Hiện trường vụ rơi máy bay chiến đấu tại khu vực Tabriz, Iran ngày 21/2/2022. Ảnh: IRNA/TTXVN . |
Thông tin cho biết máy bay đã rơi xuống gần một trường học và nhà thi đấu thể thao ở khu vực Tabriz của nước này.
Hai phi công trên máy bay đã tử nạn. Nạn nhân thứ ba là một người đi bộ gần địa điểm máy bay rơi.
Vào thời điểm xảy ra tai nạn, trường học vẫn trong giờ đóng cửa nên hạn chế được thương vong.
Iran đã mở một cuộc điều tra về vụ việc này.
Hội đồng châu Âu thông qua khoản tài chính hỗ trợ Ukraine ổn định kinh tế
Hội đồng châu Âu ngày 21/2 xác nhận rằng cơ quan này đã hoàn tất quá trình thông qua khoản hỗ trợ tài chính vĩ mô trị giá 1,2 tỷ euro (khoảng 1,36 tỷ USD) dành cho Ukraine.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kiev, Ukraine. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN. |
Tuyên bố của Hội đồng châu Âu có đoạn: “Liên minh châu Âu (EU) sẽ cung cấp một khoản hỗ trợ tài chính vĩ mô khẩn cấp trị giá 1,2 tỷ euro dưới hình thức cho vay để thúc đẩy sự ổn định ở Ukraine. EU dự định cung cấp gói hỗ trợ nhanh chóng trong tình huống khủng hoảng nghiêm trọng và tăng cường khả năng phục hồi của Ukraine. Hội đồng châu Âu đã hoàn tất quy trình thông qua trong ngày 21/2, chỉ 21 ngày sau khi Ủy ban châu Âu trình bày đề xuất của cơ quan này”.
Trước đó, cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu Fitch ngày 4/2 đã hạ đánh giá triển vọng nợ dài hạn của Ukraine từ mức tích cực xuống ổn định do tình hình căng thẳng với Nga, trong khi vẫn duy trì xếp hạng tín dụng của nước này ở mức B.
Trong thông báo mới nhất, Fitch cho hay kể từ lần đánh giá gần nhất vào tháng 8/2021, rủi ro cho hoạt động tài chính của Ukraine đã gia tăng do một loạt yếu tố, bao gồm nguy cơ căng thẳng kéo dài với Nga, điều kiện tài chính hạn chế, dòng vốn "chảy" khỏi nước này ở tốc độ vừa phải và dự trữ ngoại tệ suy yếu.
Trước đó, hôm 2/2, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi các bên liên quan tìm ra một giải pháp hòa bình cho căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Tổ chức này nhấn mạnh rằng tình hình đó đã tác động đến giá năng lượng và tạo thành mối đe dọa đối với tăng trưởng toàn cầu./.