Nhân viên an ninh hàng không đo thân nhiệt hành khách tại sân bay Nội Bài (Ảnh: NIA) |
Tạm dừng nhập cảnh vào sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất
Cục Hàng không Việt Nam thông báo tạm dừng tiếp nhận các chuyến bay quốc tế chở người nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay Nội Bài từ ngày 1/6, và kéo dài thời gian tạm dừng nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất đến hết ngày 14/6.
Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam quyết định: Tạm dừng tiếp thu các chuyến bay quốc tế chở người nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Nội Bài từ 0h ngày 1/6 đến hết ngày 7/6/2021.
Đồng thời, quyết định kéo dài thời hạn dừng tiếp thu các chuyến bay quốc tế chở người nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến hết ngày 14/6/2021 thay vì đến hết ngày 4/6/2021 như thông báo trước đó.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Giao thông Vận tải và đề nghị của UBND TP HCM, Cục Hàng không Việt Nam thông báo tạm dừng nhập cảnh toàn bộ các đối tượng hành khách tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất từ ngày 27/5 đến hết 4/6/2021.
Từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay, Việt Nam không cho phép các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam. Các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất chỉ tiếp nhận các chuyến bay quốc tế chở hàng hóa, chuyến bay đưa công dân về nước và chuyến bay quốc tế chở chuyên gia, khách ngoại giao tới Việt Nam.
Toàn bộ các trường hợp nhập cảnh được xét nghiệm và cách ly theo quy định.
Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận một số sai phạm đối với bà Lê Hồng Sâm |
Một thanh tra viên chính đi nước ngoài 27 lần không xin phép
Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận một số sai phạm đối với bà Lê Hồng Sâm, thanh tra viên chính Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối kinh tế ngành (Vụ I) về việc đi nước ngoài nhiều lần không xin phép, không báo cáo cơ quan.
Theo kết luận, Thanh tra Chính phủ xác định từ tháng 1/2013 đến tháng 12/2018, bà Sâm đã đi nước ngoài 27 lần nhưng không xin phép, không báo cáo lãnh đạo, cấp ủy và không có quyết định của cơ quan đồng ý cho đi nước ngoài.
Tổng số thời gian bà Sâm đi nước ngoài không xin phép là 69 ngày, trong đó có 45 ngày làm việc và 24 ngày nghỉ. Theo thống kê, bà Sâm đi các nước Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc… chuyến dài nhất là 9 ngày.
Cụ thể, ngày 12/4/2016, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn… tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Ông Lê Sỹ Bảy, Vụ trưởng Vụ I làm trưởng đoàn, bà Sâm là 1 trong 9 thành viên. Cuộc thanh tra diễn ra trong 70 ngày, tuy nhiên trong thời gian này bà Sâm vẫn có chuyến đi nước ngoài không xin phép.
Việc đi nước ngoài không xin phép của bà Sâm, theo Thanh tra Chính phủ, đã vi phạm Quy định 228 của Ban Bí thư Đảng khóa XI về nhiệm vụ của đảng viên và công tác quản lý đảng viên ở nước ngoài cùng một số quy định khác.
Đáng chú ý có chuyến bà Sâm đi nước ngoài không xin phép trong thời gian bà đang là thành viên đoàn thanh tra.
Ngày 14/5, Phó Tổng thanh tra Trần Ngọc Liêm đã ký quyết định kỷ luật đối với bà Lê Hồng Sâm bằng hình thức khiển trách.
Chỉ trong chiều 31/5, hàng chục xe khách đến từ TP.HCM được kiểm tra tại chốt kiểm soát - Ảnhh: Trung Tân |
Người dân Tây Nguyên tháo chạy khỏi TP HCM do lệnh giãn cách
Ngày đầu sau giãn cách xã hội ở TP HCM, đã xảy ra tình trạng người dân ùn ùn kéo về Tây Nguyên khiến tỉnh Đắk Lắk phải tái lập chốt phòng dịch từ xa để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan COVID-19 trong cộng đồng.
Chiều 31/5, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định kích hoạt lại chốt kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 trên quốc lộ 14 tại xã Hòa Phú (điểm giao giữa 2 tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông).
Tại đây, người dân được đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế qua ứng dụng điện thoại thông minh hoặc tờ khai giấy.
Ông Đoàn Ngọc Thượng, Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại TP HCM, nhiều người dân vì tâm lý lo sợ đã ùn ùn kéo về Đắk Lắk từ đêm qua.
Trong ngày 31/5, địa phương ghi nhận nhiều trường hợp người dân về Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên bằng phương tiện cá nhân.
Để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan cộng đồng, UBND TP Buôn Ma Thuột phối hợp với Sở Y tế, Phòng CSGT Công an tỉnh để tái lập chốt phòng dịch từ xa. Chốt có nhiệm vụ dừng các xe khách, xe cá nhân đi từ các tỉnh phía Nam về để yêu cầu người dân kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế.
Khoảng 15h00 cùng ngày, cán bộ y tế tại chốt kiểm soát gần như "quá tải" do lượng hành khách từ TP HCM về quá đông nên phải tăng cường thêm lực lượng đoàn viên thanh niên.
Trước đó, UBND tỉnh đã yêu cầu tạm dừng hoạt động vận tải hành khách đi, đến các địa phương có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng kể từ 00h00 ngày 31/5.
Tiếp tay cho người yêu và đồng bọn nhập cảnh trái phép, lãnh 5 năm tù
Ngày 31/5, TAND TP Đà Nẵng mở phiên xét xử sơ thẩm nữ bị cáo tổ chức cho người yêu và đồng bọn người Trung Quốc ở "chui" tại Việt Nam sau khi nhập cảnh trái phép.
Chương Thị Thương trước tòa. Ảnh: Nguyễn Tú |
HĐXX tuyên phạt Chương Thị Thương (27 tuổi, quê Quảng Ninh, ngụ thôn La Thượng, xã Tân Hồng, huyện Ba Vì, Hà Nội) 5 năm tù tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép. Đối với hai người Trung Quốc nhập cảnh trái phép là Huang Chang Wen (36 tuổi) và Rao Jian (37 tuổi), Công an TP Đà Nẵng xử phạt hành chính.
Theo cáo trạng, Thương và Wen quen nhau năm 2017 tại Quảng Châu, Trung Quốc. Tháng 5/2020, Thương xuất cảnh trái phép ở cửa khẩu Long Bình, An Giang sang Campuchia thì gặp lại Wen, nảy sinh yêu đương và chung sống như vợ chồng.
3 tháng sau, Thương muốn về nước nên Wen nhờ KK móc nối với Qi Ge (cả 2 chưa rõ lai lịch) đưa cả 3 nhập cảnh trái phép vào Việt Nam ngày 20/8/2020.
Trung Quốc: Số ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tăng cao bất ngờ
Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) của Trung Quốc vừa thông báo ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng tăng bất ngờ ở miền nam nước này, theo Reuters.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trong đợt xét nghiệm đại trà ở Quảng Châu ngày 30/5. Ảnh: Reuters |
Cụ thể, NHC hôm nay 31/5 thông báo ghi nhận 27 ca nhiễm COVID-19 mới trong ngày 30/5, tăng từ số ca nhiễm mới 11 được ghi nhận ngày trước đó.
Trong số ca nhiễm mới có 7 ca nhập khẩu và 20 ca nhiễm cộng đồng, đều được ghi nhận ở tỉnh Quảng Đông, theo Reuters.
Hôm 29/5, giới chức y tế Quảng Đông ghi nhận thêm 13 ca nhiễm COVID-19, tất cả đều không có triệu chứng. Trong số ca nhiễm mới có tới 12 ca ở thủ phủ Quảng Châu và có liên quan đến biến thể lây lan nhanh được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ, theo tờ South China Morning Post. Do đó, giới chức Quảng Đông ngày 29/5 đã phong tỏa một khu vực thuộc Quảng Châu để ngăn chặn dịch lây lan.
NHC hôm nay cho biết thêm có 19 ca nhiễm không có triệu chứng mới. Các ca nhiễm không có triệu chứng ở Trung Quốc không được xem là ca nhiễm COVID-19 được xác nhận.
Tính đến ngày 30/5, tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc tăng lên hơn 91.000 ca, với số ca tử vong không đổi là 4.636 ca./.