Lần thứ 2 hoãn phiên tòa xét xử bị cáo Vũ Huy Hoàng và đồng phạm
Lần thứ hai hoãn xét xử bị cáo Vũ Huy Hoàng và đồng phạm. Ảnh: TTXVN. |
Sáng 18/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng ra Tòa với cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (sinh năm 1953) còn có 9 đồng phạm, gồm: Phan Chí Dũng (sinh năm 1957, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương), Nguyễn Hữu Tín (sinh năm 1957, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh), Lâm Nguyên Khôi (sinh năm 1955, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh), Đào Anh Kiệt (sinh năm 1957, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh),…
Trong đó, bị cáo Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo quy định tại Điều 219, khoản 3 – Bộ luật Hình sự năm 2015. Tám bị cáo còn lại bị Viện Kiểm sát truy tố về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" theo quy định tại Điều 229, khoản 3, điểm b – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong số 10 bị cáo, bị cáo Nguyễn Hữu Tín có đơn xin được xét xử vắng mặt do tình trạng sức khỏe yếu, không thể di chuyển xa, có xác nhận của cơ quan y tế… Bị cáo Tín hiện đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Thủ Đức (Bộ Công an) theo quyết định tại Bản án hình sự sơ thẩm số 522/2019/HSST ngày 31/12/2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Tại phiên tòa, có mặt đại diện Bộ Công Thương với tư cách là nguyên đơn dân sự; có mặt đại diện UBND Thành phố Hồ Chí Minh với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. 13 người liên quan, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt, trong đó có nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải và đại diện Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Có mặt tại phiên tòa còn có đại diện Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở Trung ương, giám định viên của Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; vắng mặt giám định viên Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trước việc vắng mặt nhiều người tham gia tố tụng, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị hoãn phiên tòa. Nhiều luật sư đề nghị Hội đồng xét xử cho hoãn phiên tòa để triệu tập những người này đến phiên xử. Bị cáo Vũ Huy Hoàng cho rằng việc vắng mặt của những cá nhân này sẽ làm ảnh hưởng tới các nội dung quan trọng của vụ án. Bày tỏ mong muốn được đối chất với những cá nhân này tại phiên tòa, bị cáo Hoàng đã đề nghị Hội đồng xét xử cho hoãn phiên tòa để bị cáo được xét xử công bằng, thấu tình đạt lý, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử nhận định, trước đó, ngày 7/1, phiên tòa xét xử vụ án này đã phải hoãn một lần do thiếu nhiều người liên quan. Tại phiên tòa ngày 18/1, một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tiếp tục vắng mặt với lý do khách quan. Đại diện Viện Kiểm sát, một số luật sư và bị cáo đều đề nghị hoãn phiên tòa. Căn cứ vào đề nghị này, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa thêm một lần nữa, thời gian mở lại phiên tòa sẽ thông báo sau.
Xét xử vụ án giả danh “Thiếu tướng quân đội” lừa đảo chạy việc cho hơn 950 bị hại
Các bị cáo trong vụ án lừa đảo chạy việc do Hoa Hữu Long cầm đầu. (Ảnh: laodong.vn) |
Ngày 18/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Hoa Hữu Long (sinh năm 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển Long Nhật) và vợ là Cao Thị Kim Loan (sinh năm 1970, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần dược phẩm Nhật Mỹ) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong vụ án này, Hoa Hữu Long đã giả danh “Thiếu tướng quân đội” để lừa đảo hơn 950 bị hại, chiếm đoạt trên 83,5 tỷ đồng.
Đồng phạm cùng tội danh trên với vợ chồng bị cáo Hoa Hữu Long còn có 12 bị cáo.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, ngày 5/4/2018, Cơ quan An ninh điều tra (Công an thành phố Hà Nội) nhận được đơn của anh Đinh Anh T. (sinh năm 1974, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) tố cáo vợ chồng Hoa Hữu Long và Cao Thị Kim Loan mạo danh là cán bộ Tổng cục II (Bộ Quốc phòng) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền thông qua hứa hẹn “chạy việc” cho anh T. vào làm tại Tập đoàn Đông Dương.
Theo anh T., năm 2015, thông qua bạn bè, anh T. được Hoa Hữu Long cho biết Bộ Quốc phòng đang có chủ trương cổ phần hóa một số đơn vị của Bộ và sẽ thành lập mô hình hiệp quản lấy tên là Tập đoàn Đông Dương (phiên hiệu S10) do Long làm Tư lệnh; để được làm việc trong Tập đoàn Đông Dương thì phải nộp tiền đi học các lớp bồi dưỡng như sơ cấp chính trị, sỹ quan tham mưu… Nhằm tạo lòng tin, Long giới thiệu về Tập đoàn Đông Dương và mời anh T. tham gia.
Anh T. tin tưởng nên đã nộp 110 triệu đồng cho Cao Thị Kim Loan (vợ Long) và Nguyễn Minh Sơn (tự xưng là Phó Tư lệnh Binh đoàn S10) không có biên nhận. Long nhiều lần hứa hẹn nhưng anh T. vẫn chưa được vào làm việc tại Tập đoàn Đông Dương nên anh T. tìm hiểu thông tin thì được biết Tập đoàn Đông Dương (S10) là không có thật. Do vậy, anh T. đã làm đơn tố cáo Long về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và yêu cầu Long phải trả lại tiền cho anh T.
Qua điều tra, đã xác định, Hoa Hữu Long tự xưng là Thiếu tướng, Chủ tịch Tập đoàn Đông Dương (S10), chịu trách nhiệm về tất cả các hoạt động liên quan đến S10, trực tiếp chỉ đạo các đồng phạm khác thực hiện việc tuyển nhân sự về làm việc cho S10, thu chi phí từ 65-110 triệu đồng/nhân sự. Tính đến ngày 29/11/2017, Hoa Hữu Long và các đồng phạm đã thu hồ sơ của 951 nhân sự, với tổng số hơn 83,5 tỷ đồng.
Hoa Hữu Long biết Tập đoàn Đông Dương (Tổ chức S10) không có thật nhưng đã có hành vi gian dối tự phong là Tư lệnh, Thiếu tướng, người đứng đầu tổ chức S10, đứng ra tuyên truyền, đưa ra các văn bản không có thật, giới thiệu về bản thân và tổ chức S10 với các nhân sự, hứa hẹn phong cho họ có một cấp bậc, chức vụ trong Quân đội nhân dân để họ tin tưởng nộp hồ sơ và tiền.
Long đã trực tiếp hoặc chỉ đạo Cao Thị Kim Loan, Nguyễn Minh Sơn, Trần Duy Hưng, Phùng Thị Thanh Huế, Phạm Thế Hùng, Nguyễn Tân Mão, Hoa Bách Tùng cùng một số đối tượng khác thu tiền, hồ sơ của các lao động, sau đó không thực hiện như đã hứa và chưa trả lại tiền cho họ.
Tại phần thẩm vấn, bị cáo Hoa Hữu Long không trả lời được nhiều nội dung liên quan trong vụ án. Toàn bộ quá trình tự phong “Thiếu tướng quân đội”, quá trình thành lập Tập đoàn Đông Dương, các tài liệu gốc, việc thu tiền của các bị hại, bị cáo Hoa Hữu Long đều khai làm theo chỉ đạo của một người có tên là Trần Đức (biệt hiệu là T1). Những khoản tiền thu được, bị cáo Long cũng khai đã nộp toàn bộ theo hình thức cuốn chiếu cho “T1” kèm danh sách người nộp. Tuy nhiên, khi hỏi thông tin về “T1” cũng như biên lai mỗi lần nộp tiền, bị cáo Hoa Hữu Long lại khai không nhớ. Thậm chí, khi hỏi về số tiền hơn 83,5 tỷ đồng thu của các bị hại, bị cáo Hoa Hữu Long còn cho rằng đây là chi tiết nhỏ nên bị cáo không nhớ được.
Khai tại tòa, Cao Thị Kim Loan không thừa nhận bất kỳ vai trò nào trong Tập đoàn Đông Dương mà cho rằng bị cáo chỉ thu tiền và ghi lại sổ sách giúp cho chồng là Hoa Hữu Long. Tại tòa, nhiều bị cáo khai đã tin tưởng mù quáng vào những lời giới thiệu của bị cáo Hoa Hữu Long và những văn bản do bị cáo Long cho xem. Thậm chí có bị cáo còn thế chấp cả nhà và ô tô để đưa cho vợ chồng Hoa Hữu Long và Cao Thị Kim Loan. Chỉ đến khi bị khởi tố và làm việc với cơ quan điều tra, các bị cáo này mới biết về những việc làm sai trái của bị cáo Long.
Phát hiện một biến thể chưa được xác định của virus SARS-CoV-2 ở miền Nam nước Đức
Thành phố Garmisch-Partenkirchen. (Ảnh: TTXVN) |
Truyền thông địa phương sáng 18/1 đưa tin giới chức y tế Đức vừa phát hiện một biến thể chưa được xác định của virus SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Garmisch-Partenkirchen thuộc bang Bayern, miền Nam nước Đức.
Theo đó, dịch bệnh đã bùng phát tại bệnh viện Garmisch-Partenkirchen, nơi 73 bệnh nhân và nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo báo Münchner Merkur, một biến thể chưa từng được biết đến đã được phát hiện trong bệnh phẩm của 3 bệnh nhân ở bệnh viện này.
Các nhân viên phòng thí nghiệm tại bệnh viện Garmisch-Partenkirchen đã phát hiện những điểm bất thường trong các bệnh phẩm nhờ sự trợ giúp của một thiết bị xét nghiệm đặc biệt.
Mẫu bệnh phẩm mang mầm đột biến đã được chuyển tiếp lên bệnh viện Charité ở Berlin để phân tích thêm, trong khi một phân tích sâu hơn bước đầu xác nhận đây là một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, song vẫn chưa rõ những thuộc tính của biến thể này.
Theo các chuyên gia, virus đột biến là điều hoàn toàn bình thường, giống như các trường hợp đã phát hiện ở Anh và Nam Phi, vốn được cho có khả năng lây nhiễm cao hơn, song không làm tăng tỷ lệ tử vong cũng như không làm giảm hiệu quả của các loại vắc xin phòng ngừa đã được phê chuẩn sử dụng.
Giao tranh tại Yemen khiến khoảng 150 người thiệt mạng
Các nguồn tin quân đội Yemen ngày 18/1 cho biết các cuộc giao tranh trong suốt một tuần qua ở thành phố cảng chiến lược Hodeida, ở miền Nam nước này, đã khiến khoảng 150 binh lính thuộc quân đội Chính phủ Yemen và các tay súng thuộc lực lượng phiến quân Houthi thiệt mạng. Các vụ giao tranh này được cho là đẫm máu nhất kể từ khi lệnh ngừng bắn tại khu vực này có hiệu lực vào năm 2018.
Theo các nguồn tin trên, lực lượng Houthi đã tấn công phía Nam Hodeida - nơi các lực lượng ủng hộ chính phủ kiểm soát. Số người thiệt mạng của cả 2 bên vào khoảng 150 người, trong khi có 260 người bị thương.
Lực lượng Houthi cũng đã xác nhận con số thương vong trên.
Giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng Houthi đã diễn ra ác liệt trong ngày 16 và 17/1, và giảm nhẹ vào sáng 18/1./.