Thêm 3 ca mắc COVID-19, trong đó 2 ca nhập cảnh trái phép
Bản tin 18h ngày 29/12 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã ghi nhận 3 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 2 ca là người nhập cảnh trái phép.Cụ thể, ca bệnh 1452 (BN1452) là nữ, 31 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Là trường hợp từ Myanmar nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở ngày 24/12/2020 (cùng BN1440, BN1451), sau đó về tỉnh Đồng Tháp. Kết quả xét nghiệm ngày 27/12/2020 tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc.
Ca bệnh 1453 (BN1453) là nam, 23 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại Quận 9, TP. Hồ Chí Minh. Là trường hợp từ Myanmar nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở ngày 24/12/2020 (cùng BN1440, BN1451, BN1452), sau đó về TP. Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm ngày 29/12/2020 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Ca bệnh 1454 (BN1454) là nữ, 8 tuổi, quốc tịch Việt Nam.
Bệnh nhân từ Hoa Kỳ quá cảnh Singapore, sau đó nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất trên bay chuyến bay SQ178 ngày 27/12/2020, được cách ly tại TP. Hồ Chí Minh ngay sau khi nhập cảnh. Kết quả xét nghiệm ngày 28/12/2020 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Về số người cách ly, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 16.553 người.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: - BN1350 được công bố khỏi bệnh. Như vậy, đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.319/1.454 bệnh nhân COVID-19.
CEBR: Kinh tế Việt Nam xếp hạng 19 thế giới vào năm 2035
Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của cả nước. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN) |
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) ở Anh mới đây đã công bố báo cáo thường niên về 193 nền kinh tế, trong đó, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 19 thế giới vào năm 2035.
Cụ thể, CEBR dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 7% trong giai đoạn 2021-2025, 6,6% trong 10 năm tiếp theo và đến năm 2035 sẽ vượt qua Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan. Hai nền kinh tế này được CEBR dự báo có thứ hạng lần lượt là 21 và 25.
Báo cáo của CEBR khẳng định nhờ kiểm soát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tốt hơn các nơi khác trên thế giới, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 vẫn đạt mức dương. Theo con số được Chính phủ Việt Nam công bố, mức tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm 2020 là 2,91%.
CEBR cho biết có 25 năm kinh nghiệm trong việc cung cấp các phân tích và dự báo kinh tế độc lập với độ chính xác cao cho hàng trăm công ty tư nhân cũng như các tổ chức công.
Nga đáp trả lệnh trừng phạt của EU
Ngày 29/12, Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này đã bổ sung thêm vào "danh sách đen" những quan chức của Đức bị cấm nhập cảnh vào Nga nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt mà Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt đối với Moskva trong tháng 10.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh quyết định trên được đưa ra dựa trên nguyên tắc ngoại giao đối đẳng, theo đó Nga đã liệt những quan chức cấp cao của các cơ quan an ninh và tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Đức vào "danh sách đen" cấm nhập cảnh vào Nga. Tuy nhiên, bộ trên không nêu cụ thể tên những người bị cấm nhập cảnh vào nước này.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, nước này đã nhiều lần đề nghị Đức tổ chức các cuộc tham vấn song phương nhằm làm rõ thông tin nói rằng công dân Nga có liên quan đến vụ tấn công mạng nhằm vào Quốc hội Đức (Bundestag) năm 2015, nhưng phía Berlin đã không đáp lại đề nghị này của Moskva. Cách tiếp cận này cho thấy Đức chưa bao giờ quan tâm đến việc tiến hành một cuộc điều tra thực sự cái gọi là vụ tấn công mạng do Nga chủ mưu. Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết thêm Moskva sẽ đáp trả phù hợp nếu Berlin tiếp tục có những hành động tương tự.
Trước đó, EU và Anh đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với hai công dân Nga, trong đó có người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Nga Igor Kostyukov, với cáo buộc chịu trách nhiệm trong vụ tấn công mạng vào Quốc hội Đức năm 2015. Theo đó, những người này sẽ bị cấm đến lãnh thổ của các nước thành viên EU và bị phong tỏa tài sản tại các nước này.
Cuộc tấn công mạng xảy ra trong tháng 4 và 5/2015 đã làm tê liệt hoàn toàn cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Quốc hội Liên bang Đức. Theo Ủy ban châu Âu, các tin tặc đã đánh cắp lượng dữ liệu đáng kể cũng như tài khoản email của một số quan chức và thành viên quốc hội, trong đó có Thủ tướng Angela Merkel./.