(ĐCSVN) - Về vụ việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, cơ sở Thẩm mỹ viện Cát Tường ném xác bệnh nhân xuống sông Hồng để phi tang, phóng viên báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã trao đổi với Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội về việc định tội danh đối với bác sĩ Tường.
Phóng viên (PV): Hiện nay chưa tìm được xác của nạn nhân, thì có thể căn cứ vào đâu để định tội danh của bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường, thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng
Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Hiện nay chưa tìm thấy thi thể nạn nhân để phục vụ công tác giám định nhằm xác định nguyên nhân nạn nhân chết, nên bước đầu cơ quan điều tra căn cứ vào lời khai, các tang chứng, vật chứng để khởi tố vụ án về hành vi giết người của bác sỹ Tường là có cơ sở. Trên thực tế, đã có những vụ án mà trong đó nạn nhân được coi là mất tích, sau đó một thời gian mới xác định được người mất tích đã chết. Như vậy, trong vụ án này cho thấy có dấu hiệu các tội danh liên quan đến tính mạng con người, trong đó khả năng có hành vi giết người là cao nhất.
PV: Vậy nếu trong vụ án này, trước khi bị ném xuống sông Hồng, nạn nhân chưa chết thì bị định tội danh gì?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Nếu trong trường hợp khi tìm được xác nạn nhân, mà kết quả giám định pháp y cho thấy nạn nhân chưa chết khi bị bác sỹ Tường vứt xuống sông thì bác sỹ Tường và đồng bọn sẽ bị truy tố về hành vi giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, theo tôi trường hợp nạn nhân chưa chết khi bị vứt xuống sông Hồng ít có khả năng xảy ra, do nạn nhân sau khi tiến hành phẫu thuật đã có nhiều dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng như co giật, sùi bọt mép, cơ thể tím tái và chết lâm sàng, sau đó đã được cấp cứu tại Trung tâm thẩm mỹ vào lúc 4h30 đến 5h chiều... Từ khi có những biểu hiện đó đến lúc bác sỹ Tường đem nạn nhân ra cầu Thanh Trì và thực hiện hành vi vứt xác vào lúc 23h30 cùng ngày, là một khoảng thời gian khá dài. Do vậy, giả định nạn nhân còn sống trước khi bị Tường vứt xuống sông là không cao.
PV: Vậy thì trong trường hợp nạn nhân đã chết trước khi bị ném xuống sông Hồng, thủ phạm sẽ bị định tội danh như thế nào?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Trong trường hợp nạn nhân đã chết trước thời điểm bị vứt xuống sông, ta thấy: Thông thường, theo quy trình khám chữa bệnh (bao gồm cả phẫu thuật thẩm mỹ), khi nhận thấy bệnh nhân có triệu chứng nguy hiểm, có nguy cơ đe dọa tính mạng, bác sỹ phải thực hiện biện pháp sơ cứu cần thiết và đưa bệnh nhân đi cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, bác sỹ Tường đã không tuân thủ đúng các quy tắc an toàn cho bệnh nhân dẫn đến hậu quả chết người xảy ra. Vì vậy, bác sỹ Tường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 99 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 về “Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”.
Đồng thời, Thẩm mỹ viện Cát Tường hoạt động không phép, như vậy được coi là vi phạm các quy định về khám bệnh, pha chế thuốc, cấp phát thuốc và dịch vụ y tế khác. Trường hợp này, hành vi của bác sỹ Tường đã vi phạm quy định về khám bệnh, pha chế thuốc, cấp phát thuốc và dịch vụ y tế khác, do hoạt động chưa được cấp phép đầy đủ theo quy định; dẫn đến hậu quả chết người. Vì vậy, bác sỹ Tường có thể phải chịu thêm mức phạt tù theo khoản 1 Điều 242 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009.
Cạnh đó, bác sỹ Tường còn phải chịu thêm hình phạt tương xứng bởi vụ án có các tình tiết tăng nặng, là tổ chức thực hiện hành vi che giấu tội phạm bằng thủ đoạn xảo quyệt. Bác sỹ Tường cũng phải chịu mức bồi thường dân sự thỏa đáng cho gia đình nạn nhân.
Tuy nhiên, nếu việc tìm xác nạn nhân không đạt kết quả thì việc xác định nguyên nhân cái chết là hết sức khó khăn do không thể tiến hành khám nghiệm tử thi, xem xét các dấu vết trên cơ thể. Lời nhận tội của bác sỹ Tường và đồng bọn cùng với kết quả khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm điều tra, lời khai của người làm chứng cũng không thể đảm bảo chắc chắn cho việc kết luận nguyên nhân, thời điểm nạn nhân chết. Và việc này có ý nghĩa rất quan trọng cho việc định tội danh, định khung hình phạt đối với bác sỹ Tường và đồng bọn.
PV: Xin cám ơn luật sư.