Những năm trở lại đây, hồ tiêu luôn là loại cây trồng mang lại lợi ích kinh tế cao, người dân Gia Lai đổ xô trồng tiêu. Việc phát triển cây tiêu tự phát, ồ ạt không theo quy hoạch và dễ dãi trong khâu lựa chọn giống và quy trình canh tác đã tạo ra mối nguy hại khó lường đối với ngành sản xuất hồ tiêu. Các loại dịch bệnh phát triển mạnh đã và đang làm chết hàng trăm ha tiêu, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Những vườn tiêu trồng mới như thế này |
Từ đầu năm đến nay, toàn huyện Chư Pưh đã có gần 50 ha tiêu chết vì dịch bệnh. Trong khi đó, người nông dân vẫn chủ quan và chưa tìm ra hướng đi thích hợp tạo tính bền vững cho loại cây trồng này.
Gia đình bà Hoàng Thị Lê ở thôn Plei Riêk, thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) có hơn 500 trụ tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh ổn định. Mùa mưa vừa rồi, hơn 300 trụ tiêu đồng loạt chết. Biểu hiện cho thấy đây là bệnh chết nhanh hay còn gọi là bệnh thối gốc thân. Khi vườn cây bị bệnh, gia đình bà cũng đã chủ động đi mua một số loại thuốc về để trị bệnh nhưng đến thời điểm này vẫn không hiệu quả. Bà Lê thừa nhận, trước khi chết, vườn cây vẫn phát triển tốt và không có biểu hiện vàng lá. Khi thấy cây chết, tìm hiểu kỹ mới thấy bộ rễ bị ảnh hưởng do tuyến trùng lây lan. Đây là hậu quả của việc chủ quan và thiếu hiểu biết về cách phòng bệnh cho cây tiêu.
Cũng trong tình trạng lo lắng vì tiêu chết hàng loạt là trường hợp của gia đình ông Rơ Mah Zú ở làng Dư, xã Ia Hrú (Chư Pưh). Gia đình ông có gần 2.000 trụ tiêu nhưng đã có hơn 200 trụ bị chết. Đến thời điểm này ông Zú cũng chưa có phương án hữu hiệu nào để phòng ngừa và điều trị bệnh cho vườn tiêu. Hiện tại, thấy bà con trong xóm dùng loại thuốc gì ông cũng mua và làm theo, nhưng tiền mất mà cây vẫn chết. Ông Zú cũng đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách trị bệnh nhằm giảm thiệt hại.
Ông Hoàng Văn Hoan, Trạm trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Chư Pưh cho biết: Hầu hết bà con nông dân trong huyện còn chủ quan và thiếu hiểu biết về công tác phòng chữa bệnh cho cây tiêu. Điều này rất nguy hiểm do loại bệnh gây hại trên cây tiêu phát tán nhanh và lan ra diện rộng. Thiệt hại sẽ là rất lớn đối với nông dân và để khắc phục hậu quả thì không phải ngày một ngày hai. Đơn vị chức năng này cũng khuyến cáo bà con nên tập trung phòng bệnh là chính. Muốn phòng trừ được bệnh một cách hữu hiệu, bà con cần triển khai đồng bộ các biện pháp, không nên coi trọng bệnh này mà xem nhẹ bệnh khác. Đặc biệt, bà con nông dân cần tìm đến các cơ quan chuyên môn để được tư vấn thì hiệu quả phòng và chữa bệnh cho cây sẽ cao hơn.
Tiêu là cây trồng đang cho giá trị kinh tế rất cao, song đây cũng là loại cây trồng có độ rủi ro cao vì luôn bị đe dọa bởi dịch bệnh. Do đó người dân cần phải lắng nghe các cơ quan chuyên môn khuyến cáo để tránh những thiệt hại không đáng có và chú trọng quán triệt các yêu cầu một cách đồng bộ, đúng và đủ quy trình để tạo nền tảng bền vững cho loại cây trồng này trong tương lai./.