Bộ Y tế xem xét chuyển COVID-19 sang nhóm bệnh thông thường
Khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B "sẽ không điều trị miễn phí mà người dân có thẻ BHYT sẽ được thanh toán theo quy định của BHYT" - Ảnh minh hoạ: Nguồn Báo Sức khoẻ và Đời sống. |
Chiều 14/6, tại Tọa đàm trao đổi về truyền thông y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ Y tế đang cùng Bộ Tư pháp để tham mưu Thủ tướng Chính phủ về quyết định chuyển COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B vào cuối tháng 6/2023.
Bộ Y tế cũng đang chỉnh sửa các hướng dẫn chuyên môn về điều trị, phòng chống lây nhiễm COVID-19. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc chuyển COVID-19 sang nhóm B, đồng nghĩa với việc xem đây là bệnh thông thường, bệnh lưu hành hàng năm và là một bước chuẩn bị để tuyên bố hết dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Chuyển COVID-19 sang nhóm B sẽ kéo theo một chuỗi công việc cần giải quyết. Cụ thể, người bệnh sẽ không được điều trị miễn phí mà phải chi trả tiền khám chữa bệnh. Trách nhiệm của các địa phương lớn hơn, cần phải có kế hoạch phòng chống dịch bệnh vững, lồng ghép giám sát COVID-19 với các tác nhân gây bệnh đường hô hấp.
Theo Cục trưởng Y tế dự phòng Phan Trọng Lân, hoạt động giám sát COVID-19 sẽ được lồng ghép vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm cả giám sát trọng điểm. Việc giải trình tự gene virus vẫn tiếp tục tiến hành, đồng thời giám sát các ca viêm phổi nặng, bệnh nặng, ổ dịch có diễn biến bất thường; bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại cơ sở y tế.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết căn cứ tình hình diễn biến dịch tại Việt Nam, đối chiếu các quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và khuyến cáo cập nhật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ đã đề xuất Chính phủ chuyển bệnh COVID từ nhóm A sang nhóm B với ba lý do.
Thứ nhất, theo WHO, nCoV vẫn là virus có tốc độ lây truyền nhanh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, số ca mắc và tỷ lệ tử vong giảm mạnh, tương đương hoặc thấp hơn tỷ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B trong 5 năm gần đây như sốt xuất huyết, sốt rét, bạch hầu, ho gà.
Thứ hai, đã xác định rõ tác nhân gây bệnh COVID-19 là virus nCoV.
Thứ ba, COVID-19 hiện đáp ứng các tiêu chí thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Theo đó, ngày 3/6, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia thống nhất rằng đã đủ điều kiện chuyển COVID-19 sang nhóm B.
EVN làm rõ thông tin "thiếu 1 triệu tấn than cho nhiệt điện"
Ngày 14/6, EVN đã cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề cung cấp than cho sản xuất điện. Ảnh minh họa: Báo Lao động |
Chiều 14/6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát đi thông cáo báo chí làm rõ thông tin trên một số phương tiện thông tin đại chúng có nêu về việc "thiếu 1 triệu tấn than cho nhiệt điện", để tránh sự hiểu lầm của dư luận về trách nhiệm của các đơn vị cung cấp than.
Theo EVN, trong các tháng đầu năm nay, sự phối hợp hiệu quả và nỗ lực cung cấp than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc đã góp phần quan trọng để tập đoàn này sản xuất, cung ứng điện cho phát triển kinh tế và phục vụ đời sống dân sinh.
Đặc biệt, từ sau cuộc họp ngày 9/5 giữa EVN với TKV và Tổng Công ty Đông Bắc, tất cả các tổ máy sử dụng than antraxit đã vận hành tối đa theo yêu cầu của hệ thống, không có tổ máy nào ngừng, giảm công suất do thiếu than.
Theo kế hoạch cập nhật, sản lượng huy động tháng 6 và tháng 7 của các nhà máy nhiệt điện than, đặc biệt là các nhà máy điện khu vực miền Bắc sẽ được huy động ở mức công suất và sản lượng tối đa.
Cụ thể, tổng sản lượng dự kiến huy động các nhà máy điện sử dụng than antraxit của EVN trong tháng 6, tháng 7 là 12,33 tỷ kWh, tương ứng với nhu cầu than cần sử dụng là 6,03 triệu tấn than.
Do đó vào đầu tháng 6, EVN đã tổ chức buổi làm việc với TKV và Tổng công ty Đông Bắc để đề xuất 2 đơn vị này cấp bổ sung 1 triệu tấn than ngoài khối lượng hợp đồng đã ký kết để đảm bảo đủ than cho nhu cầu sản xuất điện trong tháng 6, 7/2023
Trong thông cáo, EVN khẳng định tập đoàn này sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với TKV và Tổng Công ty Đông Bắc tìm giải pháp cấp đủ than phục vụ sản xuất điện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hy Lạp: Số người thiệt mạng trong vụ lật tàu ngoài khơi tăng lên ít nhất 59 người
Nhân viên cứu hộ và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hy Lạp chuyển thi thể người di cư trên bờ biển thuộc đảo Lesbos. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN |
Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hy Lạp cho biết số người thiệt mạng trong vụ lật tàu ngoài khơi nước này ngày 14/6 đã tăng lên ít nhất 59 người.
Con số trước đó đưa ra là 32 người thiệt mạng và khoảng 100 người khác được giải cứu.
Vụ lật tàu đánh cá chở nhiều người di cư xảy ra ở vùng biển quốc tế trên biển Ionia ngoài khơi tỉnh Peloponnese của Hy Lạp.
Nhà chức trách Hy Lạp đã triển khai chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn quy mô lớn ở ngoài khơi thị trấn Pylos, với sự tham gia của một số tàu hải quân, trực thăng, máy bay quân đội cùng 6 tàu khác. Công tác cứu hộ gặp khó khăn do gió mạnh.
Lực lượng bảo vệ bờ biển cũng cho biết một máy bay giám sát thuộc cơ quan Frontex của châu Âu đã phát hiện ra tàu chở người di cư trên vào chiều 13/6, nhưng những người di cư từ chối mọi sự hỗ trợ. Lực lượng này cho biết không ai trên tàu mặc áo phao vào thời điểm gặp nạn và nhà chức trách chưa công bố quốc tịch của những người di cư. Những người di cư được cho là đã rời khỏi Libya và đang trên hành trình tới Italy.
Cùng với Tây Ban Nha và Italy, Hy Lạp là một trong những cửa ngõ chính vào Liên minh châu Âu của hàng chục nghìn người di cư và tị nạn từ Trung Đông, châu Phi và châu Á. Đa số những người xin tị nạn đến Hy Lạp từ nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ./.