Bộ Công an dự kiến có kết luận điều tra vụ án Việt Á trong Quý II/2023
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Thông tin tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023 diễn ra chiều nay (5/5), Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an cho biết, vụ án Việt Á dự kiến sẽ có kết luận điều tra trong quý I/2023. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của vụ án, có quá nhiều vụ án đang tiến hành đồng thời nên Bộ Công an đã đề xuất xin gia hạn điều tra và cố gắng đưa ra kết luận điều tra trong Quý II/2023.
Theo thông tin từ Bộ Công an, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm COVID-19 cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước, với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng. Điều đáng nói, Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 "bắt tay" với giám đốc CDC một số địa phương nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 để hưởng lợi bất chính số tiền lớn.
Kết quả điều tra đến nay xác định Phan Quốc Việt đã "bắt tay" với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%, số tiền Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỷ đồng. Theo lời khai của bị can Việt, số tiền mà tổng giám đốc Việt Á đã chi "hoa hồng" cho các "đối tác" là gần 800 tỷ đồng.
Từ khi khởi tố vụ án đến nay, C03 - Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố 29 vụ án với hơn 100 bị can, phong tỏa kê biên hơn 1.700 tỷ đồng.
Khởi tố nhiều đối tượng trong vụ đưa, nhận hối lộ tại Thanh tra Giao thông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Khám xét khẩn cấp tại Trụ sở Thanh tra giao thông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chiều 26/4/2023. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương-TTXVN ) |
Ngày 5/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn lệnh tạm giam đối với 4 cán bộ Thanh tra Giao thông (thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh) và 5 chủ doanh nghiệp vận tải trên địa bàn với các tội danh "Đưa, nhận hối lộ". Các quyết định trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phê chuẩn.
4 cán bộ Thanh tra Giao thông bị khởi tố, tạm giam gồm: L.H.T (sinh năm 1981, Thanh tra viên, trú tại huyện Long Điền), T.V.D (Đội phó Đội Thanh tra Giao thông, trú tại huyện Châu Đức), N.Đ.T (sinh năm 1975, Đội trưởng, trú tại thành phố Bà Rịa) và V.T.L (sinh năm 1979, Thanh tra viên, trú tại huyện Long Điền) về tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 354, Bộ luật Hình sự.
Năm chủ doanh nghiệp vận tải bị khởi tố, tạm giam là: N.M.C (sinh năm 1975, trú tại thành phố Vũng Tàu), H.Đ.H (sinh năm 1981, trú tại huyện Đất Đỏ), N.T (sinh năm 1991, trú tại thị xã Phú Mỹ), N.V.D (sinh năm 1990, trú tại huyện Châu Đức) và N.V.S (sinh năm 1992, trú tại huyện Long Điền) về tội "Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364, Bộ luật Hình sự.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận được đơn của các cá nhân có xe vận tải chở hàng trên địa bàn tỉnh tố cáo một số Thanh tra viên của Thanh tra Giao thông tỉnh có hành vi “vòi vĩnh” để nhận tiền hàng tháng nhằm bỏ qua các lỗi vi phạm giao thông.
Sáng 26/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra phối hợp cùng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiến hành triệu tập 4 cán bộ thuộc các Đội Thanh tra Giao thông ở tỉnh và 5 chủ doanh nghiệp có liên quan đến trụ sở để đấu tranh làm rõ hành vi đưa, nhận hối lộ. Đến 14 giờ 30 cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành khám xét khẩn cấp nơi làm việc của các Thanh tra viên có liên quan.
Căn cứ vào các tài liệu đã thu thập trước đó, cùng các bản tự khai, biên bản ghi lời khai, tài liệu thu giữ của các đối tượng liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định: Đối tượng L.H.T đã sử dụng hai tài khoản ngân hàng để nhận tiền hàng tháng của các cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để bỏ qua các lỗi vi phạm của các phương tiện tham gia giao thông. Tổng số tiền nhận qua tài khoản hơn 10 tỷ đồng.
Hàng tháng, L.H.T rút tiền hoặc chuyển khoản để chia cho các Đội Thanh tra Giao thông phụ trách các địa bàn có các phương tiện hoạt động theo quy ước chung đã được các đối tượng thống nhất trước.
Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Cổ động viên Campuchia đến sớm 5 tiếng, xếp hàng trước cổng sân Morodok Techo để chờ đến lễ khai mạc SEA Games 32
Nắng nóng lên đến đỉnh điểm tại Phnom Penh đúng vào ngày khai mạc SEA Games (5/5). Nhiệt độ ngoài trời lúc 15h00 là 38 độ C, tuy nhiên điều này không thể ngăn được dòng người nô nức kéo về sân Morodok Techo.(Ảnh: Thể thao & Văn hóa) |
Lễ khai mạc SEA Games 32 bắt đầu lúc 19h hôm nay (5/5). Hàng dài người xếp hàng bên ngoài sân Morodok Techo - nơi diễn ra lễ khai mạc - từ 14h. Cổ động viên đến sớm vài giờ và không ngại xếp hàng dưới trời nắng nóng gần 40 độ C.
Giống như tất cả các môn thể thao tại SEA Games 32, lễ khai mạc là sự kiện miễn phí vé. Ban tổ chức phát miễn phí toàn bộ vé cho người hâm mộ qua cổng đăng ký trực tuyến và các hình thức phân phối cho cơ quan, tổ chức khác. Số lượng vé phát hành không đủ đáp ứng nhu cầu của cổ động viên.
Sân vận động Morodok Techo có sức chứa 75 nghìn khán giả. Tuy nhiên, ban tổ chức phải dành ra một phần khán đài đón tiếp khách mời và giữ chỗ ngồi cho thành viên các đoàn thể thao sau lễ diễu hành. Có khoảng 12 nghìn vận động viên, huấn luyện viên và cán bộ, quan chức của 11 đoàn thể thao tham dự SEA Games 32.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen lên tiếng kêu gọi người hâm mộ thể thao Campuchia thông cảm vì số lượng vé vào sân không đủ đáp ứng nhu cầu. Ông Hun Sen nhấn mạnh sức chứa của sân vận động Morodok Techo có hạn nên không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Bên cạnh đó, do yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn cho các sự kiện nên số người được vào xem không thể vượt quá giới hạn của ban tổ chức.
Đây là lần đầu tiên SEA Games tổ chức tại Campuchia. Theo thông lệ, phần trình diễn của lễ khai mạc giới thiệu các nét đẹp văn hóa truyền thống và hiện đại của đất nước, con người Campuchia tới bạn bè quốc tế.
Campuchia đã lên kế hoạch và chuẩn bị cho lễ khai mạc hơn một năm. Ông Vath Chamroeun, Tổng thư ký Ban tổ chức quốc gia SEA Games 32 (CAMSOC) cho biết lễ khai mạc SEA Games 32 là màn trình diễn với những tiêu chuẩn Olympic.
Lễ khai mạc gồm 3 chương. Chương đầu là phần trình diễn có tựa đề “Nguồn gốc của Khmer”. Phần thứ hai gồm 3 nội dung: “Sự huy hoàng của Angkor”, “Nụ cười người Khmer” và “Tương lai của người Khmer”. Phần cuối là màn trình diễn âm thanh, ánh sáng và kết thúc bằng bài hát chủ đề của SEA Games 32 - Cambodian Pride (tạm dịch: Niềm tự hào của người Campuchia)./.