Phát hiện trường hợp đầu tiên mắc bệnh vi khuẩn "ăn thịt người" ở Đắk Nông
Ngành Y tế Đắk Nông giám sát, khử khuẩn tại khu vực nhà bệnh nhân. (Ảnh Sở Y tế Đắk Nông) |
Ngày 20/4, Sở Y tế Đắk Nông cho biết vừa ghi nhận 1 trường hợp đầu tiên mắc bệnh Whitmore (thường được gọi là vi khuẩn "ăn thịt người").
Cụ thể, bệnh nhân tên T.V.S (SN 1957, ngụ xã Nam Dong, huyện Cư Jút), có khối u vùng đỉnh đầu cách đây hơn 1 năm, đã đi khám nhiều nơi và được chẩn đoán là u mỡ.
Mới đây, bệnh nhân thấy đau tức nhiều tại khối u, sờ thấy căng cứng nên được người nhà đưa vào khám và nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (tỉnh Đắk Lắk).
Đến ngày 19/4, bệnh nhận có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei, tác nhân gây bệnh Whitmore.
Ngay sau đó, bệnh nhân đã được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) để tiếp tục điều trị.
Trước tình hình này, ngành Y tế Đắk Nông đã có công văn đề nghị các đơn vị y tế cơ sở tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Whitmore. Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ, nhất là tại vùng đã có bệnh nhân mắc bệnh Whitmore để phát hiện sớm các trường hợp mắc.
Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ lập trường của Việt Nam đối với lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc đơn phương ban hành trái phép ở Biển Đông.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt. |
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao vào chiều 20/4, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 1/5-16/8, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt cho biết lập trường của Việt Nam đối với lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc đơn phương ban hành trái phép ở Biển Đông là nhất quán và đã được khẳng định rõ trong những năm qua.
Ông Việt cho biết, lệnh cấm đánh bắt cá này đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982).
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam, không làm phức tạp tình hình, đóng góp và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông", Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ.
Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị khởi tố
Các bị can (từ trái qua phải): Nguyễn Thị Thanh Nhàn; Trần Mạnh Hà. Ảnh CA |
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch AIC, bị khởi tố trong vụ án thứ ba, với cáo buộc có sai phạm trong mua sắm trang thiết bị tại Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM).
Bà Nhàn cùng ông Trần Mạnh Hà, Phó tổng giám đốc Công ty AIC, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố để điều tra tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự, ngày 19/4.
Cùng tội danh, C03 khởi tố, tạm giam bị can Dương Hoa Xô (cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM); Nguyễn Đăng Quân (Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM); Nguyễn Việt Thạch (cựu trưởng Ban Quản lý đầu tư xây dựng thuộc Trung tâm, Nguyễn Trần Long (cựu chuyên viên Ban Quản lý đầu tư xây dựng) và Trần Đăng Tấn (cựu Trưởng đại diện Văn phòng AIC tại TP HCM), Nguyễn Minh (Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và dịch vụ tin học TP HCM), Trần Vinh Vũ (cựu Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý xây dựng Hồng Hà).
Bộ Công an thông báo, các bị can bị cáo buộc có sai phạm trong thực hiện dự án mua sắm trang thiết bị cho 12 phòng thí nghiệm của Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Bà Nhàn và ông Hà bỏ trốn và đang bị truy nã trong hai vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Sở Y tế Quảng Ninh. Cuối năm 2022, với vai trò là chủ mưu vụ án vi phạm quy định đấu thầu, đưa nhận hối lộ xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn bị TAND Hà Nội phạt 30 năm tù; ông Hà 25 năm tù.
Ở vụ án thứ hai, bà Nhàn bị điều tra về hành vi Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) và Bệnh viện sản nhi Quảng Ninh.
Ngày 19/4, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp cho biết chưa nhận được bất kỳ văn bản, tài liệu nào liên quan về việc bà Nhàn xin thôi quốc tịch Việt Nam. Theo hồ sơ truy tố trong vụ án tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn quốc tịch là Việt Nam.
Cướp ngân hàng ở Đà Nẵng
Nhà chức trách phong tỏa hiện trường. (Ảnh: Nguyễn Đông). |
Khoảng 11h trưa 20/4 một nam thanh niên lao vào chi nhánh Ngân hàng VietinBank ở quận Hải Châu, nhanh chóng kéo sập cửa cuốn, đe dọa nhân viên, cướp tiền.
Trong ngân hàng lúc này có 6 người là các nhân viên và bảo vệ. Một bảo vệ cho biết, tên cướp mặc áo đen, đeo khẩu trang, một tay cầm súng, một tay cầm roi điện. Hắn dùng súng và roi điện uy hiếp bảo vệ, sau đó yêu cầu nhân viên ngân hàng bỏ tiền vào bao nylon.
Sự việc chỉ diễn ra trong khoảng một phút.
Theo miêu tả của người dân, tên cướp đi xe máy Yamaha Grande màu xám. Biển số đã được ghi lại, thông báo cho công an.
Số tiền bị cướp đang được thống kê. Nhân viên ngân hàng không bị nguy hại đến tính mạng.
85 người thiệt mạng trong vụ giẫm đạp thảm khốc tại điểm cứu trợ ở Yemen
Người dân nhận hàng cứu trợ tại một trại tị nạn ở thành phố Hodeidah, Yemen ngày 31/8/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Tại buổi phân phát viện trợ tài chính ở thủ đô Yemen cuối ngày 19/4, một vụ giẫm đạp xảy ra khiến hơn 80 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.
Một quan chức an ninh của lực lượng Houthi ngày 20/4 cho biết ít nhất 85 người đã thiệt mạng và 332 người khác bị thương trong vụ giẫm đạp xảy ra tối 19/4 tại một trung tâm cứu trợ ở khu vực Bab Al-Yemen của thủ đô Sanaa.
Theo cơ quan nội vụ do phiến quân Houthi điều hành, tình trạng hỗn loạn diễn ra tại một trường học ở Old City, trung tâm thủ đô Sanaa, khi hàng trăm người nghèo tập trung tại một sự kiện do các thương gia tổ chức.
Hai nhân chứng nói với Reuters rằng hàng trăm người đã tập trung tại một trường học để nhận số tiền quyên góp lên tới 5.000 riyal Yemen (tương đương khoảng 9 USD/người).
Hiện hai thương gia liên quan vụ việc này đã bị bắt. Cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ vụ việc này.
Theo cơ quan nội vụ do phiến quân Houthi điều hành, hàng chục người thương vong đã được đưa tới các bệnh viện gần đó.
Yemen rơi vào xung đột kể từ cuối năm 2014, khi lực lượng Houthi giành quyền kiểm soát một số tỉnh phía Bắc, buộc chính phủ Yemen phải rời khỏi thủ đô Sanaa.
Xung đột đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, 4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và đẩy Yemen đến bờ vực của nạn đói.
Tại thời điểm hiện tại, thường có rất đông người dân đổ xô đến các trung tâm từ thiện xin hỗ trợ nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản khi gần đến lễ Eid al-Fitr - một trong những lễ hội quan trọng nhất của người Hồi giáo./.